Các trường học Hà Nội sẵn sàng kiểm tra trực tuyến

561

Kinhtedothi – Trong giai đoạn học sinh tạm dừng đến trường như hiện nay, để hoàn thành các nhiệm vụ năm học, ngoài nỗ lực của thầy cô và học sinh còn cần sự hỗ trợ rất lớn từ phụ huynh.

Hiện các trường đang chờ chỉ đạo của cấp trên và sẵn sàng đáp ứng kiểm tra cuối kỳ cho học sinh bằng hình thức trực tuyến.
Vừa dạy hết chương trình, vừa ôn tập 

Bước vào tuần học online thứ 2, trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông, Hà Nội, bắt đầu học chương trình của tuần 34. Cô Vũ Kim Loan – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các môn đánh giá bằng nhận xét đã được giáo viên bộ môn dần hoàn thiện; còn những môn đánh giá bằng điểm số, các cô vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập cho các con. Học hết tuần này, nhà trường sẽ hoàn thành kiến thức năm học để chuẩn bị kiểm tra. Trường đang chờ chỉ đạo của cấp trên và có thể đáp ứng kiểm tra cuối kỳ cho học sinh bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến.

đáp ứng kiểm tra cuối kỳ cho học sinh bằng hình thức trực tiếp ha

Cô Bùi Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “Các phương án kiểm tra học kỳ đã được nhà trường bàn bạc, lên kế hoạch từ trước. Khi Hà Nội xuất hiện ít ca nhiễm, các cô vẫn hy vọng dịch ổn định để học sinh được đến trường kiểm tra trực tiếp, nhất là với các môn tự luận.
Tuy nhiên, hiện dịch Covid-19 rất phức tạp nên nếu các môn trắc nghiệm, tự luận phải kiểm tra online thì nhà trường cũng lên các phương án chắc chắn để không bị động. Trong tuần này, các cô giáo vẫn tiếp tục cho học sinh học và ôn trực tuyến đến hết chương trình. Khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, trường sẽ có thông báo chính thức cho học sinh”. 

Phụ huynh cũng cần chủ động

Theo khung chương trình của Bộ, các trường đang học đến những nội dung cuối cùng của kỳ 2, sau đó sẽ ôn tập và kiểm tra cuối kỳ. Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT trước đó, các trường tại Hà Nội vẫn học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới; chưa vội kiểm tra học kỳ nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng các phương án.

Có hai vấn đề quan ngại khi kiểm tra trực tuyến được đặt ra: Thứ nhất về tính khách quan; thứ hai về trang thiết bị thì cả hai việc này đều có thể giải quyết ổn thỏa nếu có sự chủ động phối hợp và chia sẻ của phụ huynh. Vai trò của phụ huynh là ở sự chuẩn bị điều kiện máy móc, đường truyền, nhắc nhở thường xuyên, yêu cầu con học và làm bài nghiêm túc.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là đã học được thì thi cũng được. Lúc học, học sinh cơ bản có đầy đủ thiết bị để học; vậy lúc kiểm tra sẽ đủ mọi điều kiện để kiểm tra. Phương án kiểm tra trực tuyến đã được phòng quán triệt đến các đơn vị trên địa bàn để xây dựng và chuẩn bị nên sẽ không có trở ngại, khó khăn gì nếu cách thức kiểm tra học kỳ được tiến hành trực tuyến”.

Về thiết bị kết nối mạng, nhiều giáo viên lo lắng học sinh các lớp nhỏ chưa thao tác thành thạo với máy tính; con chưa quen làm bài online nên sẽ lúng túng, điểm thấp… Những vấn đề này cũng hoàn toàn có thể giải quyết nếu phụ huynh, học sinh và thầy cô chủ động phối hợp.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông nêu ý kiến: Các trường chưa từng tổ chức kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến nên đề kiểm tra, phương thức giám sát rất khó. Nếu dịch bệnh phức tạp, có thể chờ đến thời điểm thật sự ổn định mới tổ chức kiểm tra, đánh giá hoặc cần thiết lên phương án chia nhỏ học sinh theo từng nhóm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch rồi cho các em đến trường kiểm tra định kỳ…

Vấn đề cho học sinh thực hiện bài kiểm tra học kỳ 2 theo cách thức nào sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị giao ban trực tuyến dự kiến diễn ra vào sáng 13/5 tới đây. Tham chiếu vào văn bản chỉ đạo khẩn về việc phòng chống Covid-19 của Bộ GD&ĐT thì tùy tình hình thực tiễn dịch bệnh ở các địa phương, các trường có thể điều chỉnh kế hoạch giáo dục (kết thúc năm học trước hoặc sau khung chương trình của Bộ); điều chỉnh kế hoạch dạy học (trực tuyến hoặc trực tiếp); tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp (kiểm tra trực tiếp, trực tuyến hoặc giãn cách). Tất cả vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

Bài gốc tại đây